Di chỉ Phù_Nam

Di chỉ Gò Cây Thị (Óc Eo)

Nhà trưng bày di chỉ Gò Cây Thị.Một hố khai quật khảo cổ trong khu di tích Nam Linh Sơn, nằm cách chùa Linh Sơn (Ba Thê) 60m.

Di chỉ Gò Cây Thị thuộc xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang; là một di chỉ cung đình mang tính tôn giáo, gồm tiền điện, chính điện và 4 ô ngăn; đã được nhà khảo cổ Pháp Louis Malleret khai quật đầu tiên vào năm 1944 (từ tháng 2 đến tháng 4). Di chỉ có diện tích 488,8m2, có dạng gần vuông, quay mặt về hướng Đông, nằm trên cánh đồng Óc Eo, cách di tích khu di tích Nam Linh Sơn (núi Ba Thê) khoảng 1600m về phía Đông.Ở quanh khu di chỉ này, Louis Malleret còn tìm được 8 ngôi mộ táng. Hiện vật tìm thấy trong mộ hoặc xung quanh mộ, gồm những thỏi đất nung, mảnh gốm mịm, hạt chuỗi, đá quý, vàng lá, xương răng lợn, xương trâu bò, sừng hươu, than củi…

Di chỉ Gò Tháp

Di chỉ Gò Tháp thuộc huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, được thám sát vào năm 1931, 1943 và 1984. Đây là khu di chỉ có các loại hình: cư trú, mộ táng và kiến trúc.

Di chỉ Gò Thành

Di chỉ Gò Thành thuộc ấp Tân Thành (xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), được L. Malleret phát hiện năm 1941. Trong nhiều lần khai quật tiếp theo vào những năm: 1979, 1988, 1989, 1990, đã phát hiện ở độ sâu khoảng 1,5 đến 3 m, có nhiều gốm cổ bị vỡ; nhiều vòi bình; nhiều di cốt trâu bò, heo và xương cá; nhiều dấu vết tro, than, vỏ trái cây, lá dừa nước; cùng với vài cọc gỗ có dấu vết gia công.

Nơi đây, cũng đã phát hiện được 5 kiến trúc bằng gạch và 12 ngôi mộ xây bằng gạch có kích thước lớn nhỏ khác nhau. Trong và quanh mộ, ngoài những hiện vật bằng vàng, bằng gốm, đất nung còn có hai tượng thần Visnu bằng đá có kích cỡ khá lớn...Bằng kỹ thuật chuyên ngành, các nhà khảo cổ đã phân tích một số mẫu vật & kết luận rằng khu di tích khảo cổ Gò Thành có niên đại từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 8. Đây là một khu di chỉ đặc biệt vì nó còn lưu giữ khá nguyên vẹn và phong phú về nhiều loại hình di chỉ như: di chỉ cư trú, di chỉ mộ táng, và nhất là di chỉ kiến trúc với nhiều đền tháp ở cạnh nhau có quy mô khác nhau, rất hoành tráng, tuy chỉ còn phần nền...

Di chỉ Gò Cây Tung

Bộ xương của người cổ được khai quật ở Gò Cây Tung (An Giang, Việt Nam) năm 1994-1995.Vật dụng sinh hoạt của cư dân Phù Nam.

Di chỉ Gò Cây Tung thuộc ấp Thới Thuận, xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, được phát hiện và khai quật vào năm 1994 và 1995. Tại đây, người ta đã phát hiện nhiều ngôi mộ cổ với 23 bộ xương người, trong đó có 9 nam, 7 nữ, còn 7 cá thể chưa rõ giới tính... Ngoài ra, người ta còn tìm được nhiều hiện vật phong phú, bao gồm đồ gốm có vẻ màu, hơn 40 chiếc rìu đá (có hình tứ giác) cùng bàn mài, chày nghiền...

Cùng với những di chỉ trên, những di vật và mộ táng được phát hiện rất nhiều ở nơi khác như: Bình Tả (Long An), Gò Cây Duối-Thanh Điền, Tây Ninh, Đá Nổi (Kiên Giang), ND 11 (Khu kinh tế mới Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh), Di chỉ Cây Gáo (Đồng Nai) v.v...đã khẳng định rằng Óc Eo là một nền văn hóa có nguồn gốc bản địa, mà chủ nhân của nó là những cư dân Phù Nam.